Bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu biến hình trên một núi cao trước mặt ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Mặt Người chiếu sáng như mặt trời. Áo người trở nên trắng như tuyết. Có hai nhân vật Cựu Ước là Môsê và Êlia hiện ra đàm đạo với Người, có tiếng Chúa Cha giới thiệu Người là Con yêu dấu và đòi các môn đệ phải vâng nghe lời Người. Ba môn đệ từ vui mừng đến khiếp sợ khi đối diện với vinh quang Thiên Chúa.
- Các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê: Đây là ba môn đệ thân tín nhất của Đức Giêsu. Các ông là những người nhiệt thành yêu mến Thầy, và được trao những nhiệm vụ then chốt, nên Đức Giêsu đã cho các ông thấy trước vinh quang của Người, để thêm lòng tin, hầu đủ sức vượt qua giờ phút đau thương trong cuộc khổ nạn của Người.
- Một ngọn núi cao: Theo truyền thống xa xưa, thì đó là ngọn Tabo. Tuy núi này chỉ cao 360m so với Địa Trung Hải, nhưng nằm trên cánh đồng rộng lớn Étrêlon, cũng gây cho người ta cảm tưởng một ngọn núi cao. Ngày nay nhiều người nghĩ tới ngọn Khécmôn cao 2.795m gần thành Xêdarê của Philípphê. Đi từ Xêdarê tới nơi mất khoảng 5 ngày đường như Tin Mừng đã viết. Tuy nhiên có lẽ khi viết câu này, Mátthêu chỉ chú trọng đến ý nghĩa tượng trưng của Núi: Núi là nơi khởi đầu và kết thúc mặc khải của Thiên Chúa đối với Môsê thời Cựu Ước hay với Đức Giêsu thời Tân Ước (Mt 5,1; 28,16). Núi cũng là nơi quy tụ muôn người nên một trong Nước Trời trong thời cánh chung.
- Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông: Đức Giêsu tỏ bày Thiên tính vinh quang của Người cho các môn đệ thấy. Trong thời Xuất Hành, sau mỗi lần đàm đạo với Đức Chúa, mặt Môsê sáng chói, đến nỗi dân Ítraen sợ không dám lại gần ông (Xh 34,29-30).
- Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng: “Chói lọi như mặt trời” là biểu hiện thuộc về thiên quốc và trong thời cánh chung. Theo thể văn khải huyền thì y phục trắng tinh giống như ánh sáng là biểu hiện vinh quang thiên giới dành cho những người được Thiên Chúa tuyển chọn.
- Ông Môsê và ông Êlia: Hai ông này tượng trưng cho Lề Luật và các Ngôn sứ, nghĩa là cho toàn bộ Cựu Ước. Như thế tất cả Cựu Ước đều hiện diện để làm chứng và tôn vinh Đức Giêsu. Hai vị này đàm đạo với Đức Giêsu về cái chết của Người sắp được thực hiện tại Giêrusalem như một cuộc Xuất Hành Mới. Như vậy, toàn bộ khung cảnh biến hình này đều qui hướng về cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Giêsu.
-Dựng ba cái lều: Theo truyền thống Do Thái thì Thiên đàng được gọi là “Lều vĩnh cửu” hay “Nhà tạm đời đời”. Vào thời cuối cùng, Thiên Chúa sẽ ngự giữa dân Người trong lều vinh quang của Người, và dân chúng sẽ cắm lều quanh Đấng Cứu Thế.
- Đám mây sáng ngời bao phủ các ông: Trong Cựu Ước, khi tiếp xúc với dân Ítraen, Đức Chúa thường xuất hiện trong đám mây. Ở đây, Thiên Chúa dùng mây che phủ các ông, để nói lên sự can thiệp đặc biệt như Người đã từng rợp bóng trên dân Ítraen xưa, hay “rợp bóng” trên Đức Maria trong ngày sứ thần truyền tin sau này.
- Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người: Lời này nhắc lại lời Chúa Cha phán khi Đức Giêsu chịu phép rửa (Mt 3,17). Nhưng ở đây còn thêm mệnh lệnh cho các môn đệ: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Qua đó, cho thấy Đức Giêsu chính là vị Ngôn Sứ Mới sẽ xuất hiện thay thế Môsê vào thời cánh chung.
- Các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất: Thái độ và cử chỉ của các môn ở đây là phản ứng người đời thường có khi gặp gỡ Thiên Chúa.
- “Trỗi dậy đi, đừng sợ!”: Đức Giêsu đã ra lệnh các môn đệ giống như khi Người phục sinh con gái của một viên thủ lãnh (Mt 9,25).
- Chỉ còn một mình Đức Giêsu mà thôi: Khi tiếng nói vừa dứt, thì mọi sự cũng tan biến theo. Từ đây, chỉ còn một mình Đức Giêsu là Thầy dạy Luật mới, Luật hoàn hảo và vĩnh viễn.
- “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy”. Lệnh truyền: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy” cho thấy một mầu nhiệm lớn lao vừa được mặc khải (Đn 12,4.9). Có lẽ Đức Giêsu muốn tránh sự xáo trộn chính trị, vì dân Do Thái bấy giờ đang trông chờ một Đấng Thiên Sai đến giải phóng họ khỏi ách thống trị của Rôma. Chỉ sau khi Chúa Giêsu sống lại thì vai trò của Người mới được hiểu cách đúng đắn.
- Có một hoàng tử kia đẹp trai lại văn võ song toàn. Nhất là luôn khiêm tốn hòa nhã, nên rất được vua cha và bá quan trong triều nể phục. Hoàng tử chỉ có một khuyết điểm duy nhất là cái tật gù lưng từ lúc mới sinh. Chính vì mang dị tật ấy mà chàng bị mặc cảm tự ti và không dám xuất hiện trước công chúng. Triều đình có cái lệ này là tạc tượng các nhân vật trong hoàng tộc khi họ được 20 tuổi. Bức tượng ấy sẽ được trưng bày tại viện bảo tàng quốc gia cho thần dân chiêm ngưỡng. Năm đó, hoàng tử vừa tròn 20 tuổi. Dù không muốn cho người ta tạc tượng, nhưng không dám trái lệnh vua cha, chàng chỉ yêu cầu hai điều và được vua cha chấp thuận: Một là bức tượng của chàng phải được tạc trong tư thế đứng thẳng chứ không bị gù lưng. Hai là bao lâu chàng còn sống thì chỉ đặt bức tượng tại phòng riêng của chàng.
Từ khi có bức tượng trong phòng, mỗi ngày hoàng tử đều đến trước tượng ngắm nhìn hình ảnh của mình. Chàng rất thích dáng vẻ hiên ngang của bức tượng, và cố bắt chước tư thế của bức tượng. Sau một thời gian, mọi người đều ngạc nhiên nhận thấy hoàng tử đã được biến đổi không còn bị gù lưng như trước nữa. Trái lại chàng có dáng vẻ hiên ngang oai vệ giống hệt bức tượng trong phòng của chàng. Sau đó, hoàng tử đã đồng ý cho trưng bày bức tượng của mình tại viện bảo tàng quốc gia cho thần dân mặc sức chiêm ngưỡng.
- Mùa Chay là một thời kỳ thuận tiện, giúp các tín hữu chúng ta hồi tâm để nhận ra thói hư tật xấu, những khuyết điểm của mình mà sám hối, hầu mỗi ngày một nên hoàn thiện hơn theo ý Chúa muốn. Nhưng chúng ta phải làm gì để nên hoàn thiện? Đó là chủ đề Chúa muốn dạy chúng ta trong Tin Mừng hôm nay.
- Tin Mừng thuật lại câu chuyện biến hình của Đức Giêsu trước mặt ba môn đệ thân tín là các ông: Phêrô, Giacôbê và Gioan. Chính khi ở trên núi cao và trong lúc cầu nguyện sốt sắng, mà các môn đệ đã nhìn thấy mặt Đức Giêsu biến đổi. Dung nhan Đức Giêsu biến đổi giống như diện mạo sáng ngời của Môsê sau khi gặp Đức Chúa. Y phục trắng tinh như ánh sáng là biểu hiện vinh quang thiên giới dành cho các người được Thiên Chúa tuyển chọn. Hai ông Môsê và Êlia đại diện Lề Luật và Ngôn Sứ. Như vậy tất cả Cựu Ước đều hiện diện để làm chứng và tôn vinh Đức Giêsu. Điều đáng lưu ý là giữa vinh quang ấy, hai vị lại đàm đạo về cái chết, giống như một cuộc Vượt Qua Mới mà Đức Giêsu sắp thực hiện tại Giêrusalem. Như vậy tất cả khung cảnh Biến Hình này đều đưa về viễn ảnh cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Giêsu. Ngoài ra còn có đám mây tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, và từ trong đám mây có tiếng Chúa Cha phán chính thức xác nhận Đức Giêsu là Môsê Mới của thời đại cánh chung, như Môsê đã từng tuyên sấm (Đnl 18,15).
- Đức Giêsu được biến hình sau khi đã chấp nhận cuộc Thương Khó và chiến thắng cơn cám dỗ của Xatan qua lời can ngăn của Phêrô (Mt 16,22-23). Người cương quyết đi con đường Chúa Cha muốn. Còn các tín hữu chúng ta trong Mùa Chay này, muốn thay hình đổi dạng trở nên sáng láng như Chúa Giêsu, thì phải biết kiên trì tập luyện. Nhất là phải đi con đường hẹp và leo dốc, siêng năng cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, và chấp nhận từ bỏ ý riêng, sẵn sàng vác thập giá mình hàng ngày mà theo chân Đức Giêsu. Nhờ đó, chúng ta hy vọng sẽ được tham phần vào vinh quang phục sinh với Chúa sau này.