Chúa nhật Lễ Lá Năm A

Lời Chúa: Bài đọc 1: Is 50,4-7; Bài đọc 2: Pl 2,6-11; Bài Thương khó: Mt 26,14-27,66
Tác giả: Ban Mục vụ Thánh Kinh & Ban Phụng tự TGP Sàigòn

Lời Chúa Mt 21,1-11 - Nghi thức làm phép lá
1Khi thầy trò đến gần thành Giêrusalem và tới làng Bếtphaghê, phía núi Ôliu, Đức Giêsu sai hai môn đệ và 2bảo: "Các anh đi vào làng trước mặt kia, và sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh. Các anh cởi dây ra và dắt về cho Thầy. 3Nếu có ai nói gì với các anh, thì trả lời là Chúa cần đến chúng, Người sẽ gởi lại ngay." 4Sự việc đó xảy ra như thế để ứng nghiệm lời ngôn sứ: 5"Hãy bảo thiếu nữ Xion: Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ. 6Các môn đệ ra đi và làm theo lời Đức Giêsu đã truyền. 7Các ông dắt lừa mẹ và lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Đức Giêsu cỡi lên. 8Một đám người rất đông cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi. 9Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô Con vua Đavít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời. 10Khi Đức Giêsu vào Giêrusalem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: "Ông này là ai vậy?" 11Dân chúng trả lời: "Ngôn sứ Giêsu, người Nadarét, xứ Galilê đấy."

Bài giảng Chúa nhật Lễ Lá Năm A

Tải file tại đây: Bài giảng Thánh lễ Chúa nhật Lễ Lá Năm A

Chủ đề: BIẾN ĐỔI TỪ THẬP GIÁ ĐẾN VINH QUANG
“Người đã hạ mình, vâng phục cho đến chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8)
***

Với Lễ Lá, chúng ta bắt đầu Tuần Thánh, đỉnh cao của Năm Phụng Vụ. Trong Tuần Thánh, chúng ta cử hành cuộc khổ nạn, sự chết và nhất là sự phục sinh của Đức Giêsu. Đó là một sự biến đổi tận căn: từ thập giá đến vinh quang.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I  (Is 50,4-7)
Trong sách Ngôn sứ Isaia có 4 Bài ca về Người Tôi Trung (Is 42,1-9; 49,1-7; 50,4-11; và 52,13-53,12). Bài đọc I hôm nay là một phần của Bài ca thứ ba, trình bày chân dung của Người Tôi Trung này qua ba khía cạnh, đó là: dùng Lời để nâng đỡ những ai rã rời kiệt sức; luôn lắng nghe và thi hành ý Chúa; đồng thời vì Dân, ông nhẫn nhục chịu đựng những khổ đau và khinh khi hành hạ từ những người không đón nhận lời răn dạy của Thiên Chúa. Đây là chân dung đích thực của một vị ngôn sứ, của một người môn đệ Đức Chúa và nhất là của chính Đức Giêsu. Có Thiên Chúa ở cùng, “người của Thiên Chúa” sẽ an lòng và có can đảm để chu toàn ơn gọi và sứ vụ được giao phó.
2. Bài đọc II ( Pl 2,6-11)
Bài thánh ca trích từ thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Philípphê cho thấy một sự thay đổi tận căn nơi con người và sứ vụ của Đức Giêsu. Bài thánh ca phác thảo hai chặng đường ngược chiều, nhưng nối kết với nhau mà Đức Giêsu đã đi qua: tự hạ mình và được Thiên Chúa siêu tôn. Quả thật, Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã tự nguyện hạ mình đến tột cùng đau khổ khi làm thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, chịu chết trên thập giá như một tội nhân. Chính vì thế, Người đã được Thiên Chúa siêu tôn lên tới tột đỉnh vinh quang khi tặng được ban Danh hiệu trổi vượt mọi danh hiệu, đến mức mọi loài trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ đều phải tôn phục và tuyên xưng Đức Kitô là Chúa. Sự thay đổi tình trạng của Đức Giêsu Kitô kéo theo sự biến đổi của nhân loại. Chính lúc được siêu tôn này, Đức Giêsu Kitô sẽ kéo mọi người lên cùng Người.
3. Bài Thương Khó (Mt 26,14‒27,66)
Tất cả các Tin Mừng đều thuật lại giai đoạn cao điểm của sứ vụ Đức Giêsu, đó là chịu khổ nạn, chết và phục sinh. Biến cố này đã làm thay đổi toàn diện các tình trạng và thái độ những nhận vật có liên quan; đồng thời kéo theo hệ quả, đó là một sự biến đổi tận căn từ biến cố thập giá Đức Giêsu.
 Cuộc thương khó tỏ cho chúng ta thấy rằng: là con người, Đức Giêsu cũng khắc khoải trước khổ đau, nhưng là Đấng được sai đến, Người đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”. Trong đoạn Tin Mừng thuật về thương khó, thánh Mátthêu đã trích dẫn nhiều đoạn Kinh Thánh Cựu Ước để diễn tả việc Đức Giêsu hoàn tất những gì các ngôn sứ loan báo, chứ không phải là một sự tình cờ, một tai nạn (x. Mt 26,31.56; 27,9-10.46). Người đến thế gian để hoàn tất kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa. Đức Giêsu đón nhận tất cả những thử thách và đau khổ vì yêu và để cứu độ nhân loại. Chỉ một mình Người mới có thể hoàn tất sứ vụ này. Quả vậy, Đức Giêsu đối diện với cuộc khổ nạn bằng sự khiêm nhu, tình yêu và lòng tha thứ cho những kẻ đang bách hại và giết Người: “Họ khạc nhổ vào mặt và đấm đánh Người. Có kẻ lại tát Người”(Mt 26,67), “Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây gậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: Vạn tuế Đức Vua dân Do Thái! Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người”(Mt 27,28-30). Những lời của những kẻ qua đường và của các thượng tế, kinh sư cùng kỳ mục thực sự là những lời xúc phạm nặng nề đến Đức Giêsu, nhưng Người đã đón nhận trong tình yêu thương dành cho họ: “Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá xem nào! Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình”. Đức Giêsu biến cuộc khổ hình của mình thành món quà tình yêu dành cho Thiên Chúa và ơn cứu chuộc con người. Người vâng phục tuyệt đối Thiên Chúa Cha và đón nhận tất cả những khổ đau trong hành trình hướng tới sự phục sinh vinh hiển và hoàn tất kế hoạch cứu độ nhân loại.