- C 1-5: + Ladarô: là tên của người bạn thân với Đức Giêsu, ở làng Bêtania (Ga 11,3). Ngoài Ladarô này, cũng còn một người ăn xin tên là Ladarô trong Tin Mừng Luca (Lc 16,20). + Bêtania: Là một làng nằm ở phía Đông núi Cây Dầu, cách Giêrusalem khoảng ba cây số (Ga 11,818). Đức Giêsu thường đến trọ tại làng này mỗi khi có dịp lên Giêrusalem . Ngoài ra, còn một Bêtania khác là nơi Đức Giêsu chịu phép rửa (Lc 16,20). + Mácta: là chị lớn trong ba chị em. Bà có tính năng nổ hướng ngoại thể hiện khi đón tiếp Đức Giêsu (Lc 10,38-42). + Maria: là em của Mácta, có tính trầm lặng hướng nội, sẵn sàng hy sinh bình dầu thơm quý giá để xức chân Người (Ga 12,1-8). Ta cần phân biệt bà Maria này với ba người phụ nữ khác: Bà không phải là người đàn bà tội lỗi (Lc 7,36-50), không phải là người phụ nữ ngoại tình (Ga 8,3-11), cũng không phải Maria Mađalêna được trừ khỏi bảy quỷ ám (Lc 8,2).
- C 6-16: + Mới đây người Do Thái tìm cách ném đá Thầy: Các môn đệ mang tâm trạng sợ hãi vì ý thức nguy hiểm Thầy có thể bị kẻ thù giết hại nếu về Giêrusalem . + Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao?: Đức Giêsu quyết tuân theo chương trình Chúa Cha đã truyền. + Ladarô, bạn của chúng ta, đang yên giấc. Tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây: Đức Giêsu cũng dùng chữ “ngủ” để ám chỉ cái chết, giống như trường hợp của con gái ông Giaia (Mc 5,39). Thánh Phaolô cũng coi cái chết chỉ là một giấc ngủ (1Tx 4,14), là một bước phải vượt qua đến sự sống lại (Ep 5,14). + Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin: Đức Giêsu mừng vì môn đệ sắp được dịp chứng kiến Người truyền cho Ladarô sống lại, để các ông vững tin nơi Người.
- C 17-27: + Khi đến nơi, Đức Giêsu thấy anh Ladarô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi: Theo phong tục người Do Thái thì người chết thường được chôn ngay trong ngày vừa chết (Cv 5,6). Người Do Thái tin rằng trong ba ngày đầu, hồn vía người chết còn lảng vảng gần xác chết. Sang ngày thứ tư khi xác thối rữa, nó mới tan đi. Con số bốn ngày ở đây như muốn nói Ladarô đã chết thật sự. + Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết: Thời Cựu Ước, nhiều người tin có sự kẻ chết sống lại (Đn 12,2-3; 2 Mcb 7,23). Đến thời Đức Giêsu, nhóm Pharisêu cũng tin như vậy, nhưng nhóm Xađốc thì không tin (Cv 23,8). Riêng Mácta tuy tin kẻ chết sẽ sống lại trong ngày tận thế, nhưng vẫn muốn Đức Giêsu cứu sống em mình ngay bây giờ. + Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống: Đức Giêsu là sự sống phát xuất từ Chúa Cha (Ga 5,26). Người làm cho những kẻ tin Người được sống đời đời (Ga 5,24-25). Người cũng sẽ ban cho những kẻ tin được sống lại vào ngày cánh chung, dù xác của họ đã bị tiêu hủy (Ga 5,28-29). + Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian: Mácta tuyên xưng Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Sai (Ga 1,19).
- C 28-37: + Thấy cô khóc, và những người Do Thái đi với cô cũng khóc, Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến: Theo thói tục của người Do Thái, khi có khách đến viếng xác, thì người nhà bật khóc to, và khách cũng tự nhiên phát khóc lên theo như vậy.
- C 38-44: + Đức Giêsu thổn thức trong lòng: Trước sự đau khổ của tang gia, Đức Giêsu có thái độ cảm thông đầy tình người. Nhưng thực ra nguyên nhân sâu xa khiến Đức Giêsu phải khóc một phần còn vì sự cứng lòng tin của những người hiện diện (c 37) và niềm tin nửa vời của hai chị em Mácta và Maria (c 39). + Đem phiến đá này đi: Phần mộ của người Do Thái giàu có thường khoét vào núi đá. Sau khi tắm rửa, xác chết được xức thuốc thơm, cuốn băng và phủ khăn liệm, đưa vào phòng chôn rồi lấp cửa ngoài bằng một tảng đá lớn giống như khi an táng Đức Giêsu (x Ga 19,40-42). + Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày: Tuy Mácta vừa tuyên xưng đức tin, nhưng vẫn nghi ngờ quyền năng của Người. + Chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?: Vinh quang ở đây là quyền năng Thiên Chúa tỏ hiện qua việc người sắp cho Ladarô từ cõi chết sống lại. + Đức Giêsu ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con”: Người Do Thái khi cầu nguyện thì quay mặt về hướng Đền thờ Giêrusalem. Còn ở đây Đức Giêsu lại ngước nhìn lên trời. Đây là lối cầu nguyện của Kitô hữu sau này. + Người kêu lớn tiếng: “Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ!": Đức Giêsu ra lệnh cho người chết sống lại. Điều đó cho thấy Người có quyền trên sự chết. + Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi: Ladarô sau khi sống lại phải được người khác cởi khăn và vải liệm. Còn Đức Giêsu sau khi phục sinh, những băng vải còn để lại trong mồ và khăn che đầu Người được cuốn lại và xếp để riêng ra một nơi (Ga 20,5-7).
Sita Đeli vốn là một kẻ chuyên quậy phá kẻ khác. Anh đã nhiều lần vào tù ra khám vì tội cướp giựt. Trong phiên tòa lần thứ năm, quan tòa đã phải tuyên bố như sau: “Có phạt anh thêm nữa cũng vô ích! Nhưng chúng tôi vẫn phải cách ly anh. Chúng tôi đã làm hết cách. Quả thật chúng tôi đã hoàn toàn thất vọng về anh.” Vào tù lần này, Đeli lại ngựa quen đường cũ: có những hành vi vô kỷ luật và đàn áp bạn tù yếu thế hơn anh, nên anh đã bị biệt giam trong hai tuần lễ. Nhưng một phép lạ đã xảy ra: Khi phải nằm thu mình trong căn hầm chật hẹp tăm tối, trên nền đá ẩm mốc hôi hám, Đeli đã suy nghĩ và nhớ lại những lỗi lầm đã phạm. Vốn là con một trong gia đình giàu có, được cha mẹ cho đi học, nhưng anh lại lười biếng và ăn cắp tiền của cha mẹ rồi sau đó bỏ nhà đi hoang. Từng được nhà trường đánh giá là một học sinh thông minh giàu sáng kiến, chỉ có thói xấu là ham vui. Vậy tại sao anh lại không sử dụng những tài năng đó để làm việc tốt hữu ích cho tha nhân, mà lại đi hoang cướp giật và làm những điều xấu đáng bị khinh dể? Rồi sau đó anh bắt đầu có những giấc mơ đẹp về Đức Giêsu, mà anh đã từng học biết khi còn học lớp giáo lý vỡ lòng. Dường như anh thấy Đức Giêsu đang âu yếm nhìn anh và mời anh đi theo Người. Rồi hình ảnh những người từng bị anh gây thương tích lần lượt lướt qua tâm trí anh. Tự nhiên anh cảm thấy một tình cảm dào dạt đối với họ. Chính tình thương ấy đã tắm mát và chữa lành những vết thương trong tâm hồn chai lì của anh. Cảm nghiệm ấy đã dần dần biến đổi anh nên một người mới đầy tràn tình yêu của Đức Giêsu. Sau hai tuần lễ, Đeli được ra khỏi ngục biệt giam trở lại phòng giam thường phạm. Anh không còn bắt nạt bạn tù, trái lại còn sẵn sàng bênh vực những kẻ thân yếu thế cô. Anh xin cha tuyên úy nhà giam theo học lớp Thánh Kinh hằng tuần. Anh trở thành người học trò chăm chỉ và xuất sắc nhất trong đám bạn tù. Mấy năm sau, khi được mãn hạn tù, anh đã trở thành chủ tịch hội “Cải cách chế độ lao tù.” Khi nói về anh, Cha tuyên úy nhà lao đã nói: “Sita Đeli là một bằng chứng sống động nhất về một phép lạ đã xảy ra: Không những anh là một con người tội lỗi được ơn sám hối, mà còn là một tạo thành mới, một tín hữu tốt lành thánh thiện và là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.”
Trong sứ điệp ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 1996, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khuyên các bạn trẻ tín hữu như sau: “Hãy trở nên những ngôn sứ của sự sống và tình thương, những ngôn sứ của niềm vui. Hiện nay tuy nhân loại ngày càng văn minh hơn. Nhưng vẫn có nhiều bóng tối của sự chết như: chiến tranh, đói kém, phá thai, tự tử, siđa, ám sát, đặt mìn, tai nạn giao thông… Những cái chết về thể xác phản ảnh một cái chết nguy hiểm hơn. Đó là cái chết của Tình Yêu trong lòng con người! Cái chết ấy sẽ thắng thế khi con người sống buông thả, chán chường và khép kín trong sự ích kỷ. Nhưng chúng ta có Đức Giêsu là “Sự Sống Lại và là Sự Sống.” Một khi chúng ta liên kết mật thiết với Đức Giêsu, chúng ta cũng có thể thông truyền sự sống và niềm vui cho thế giới, giống như Đức Giêsu xưa đã trả lại sự sống cho Ladarô và lau khô giọt lệ cho hai chị em Máta và Maria… Kitô hữu phải sẵn sàng lao tới bất cứ nơi đâu có những anh em cần được giúp đỡ, những nơi có những giọt nước mắt cần được lau khô, những nơi có những lời cầu cứu đang chờ được đáp ứng.”