1. Những dư luận về Chúa Giêsu rất khác nhau: Gioan Tẩy giả sống lại, Êlia, một ngôn sứ… Ngày nay cũng có nhiều dư luận về Chúa Giêsu, trong đó có những dư luận không tốt. Tôi phải làm gì để cho người ta hiểu đúng về Ngài?
Tên “Giêsu” nghĩa là “Chúa Cứu Độ,” hay nói theo ngôn ngữ thông dụng, Ngài là Đấng “Cứu nhân độ thế.” người ta không quan tâm lắm đến các danh hiệu khác của Ngài: Con Thiên Chúa, Kitô Messia, Con Vua Đavít…. Nếu Ngài là Đấng cứu nhân độ thế thì ai cũng thấy cần đến Ngài cứu giúp, hoặc vật chất hoặc tinh thần. Nhưng làm sao cho người ta không chỉ biết mà còn thấy rõ Ngài là Đấng cứu nhân độ thế? Giáo Hội và các môn đệ Ngài phải cho người ta thấy điều đó qua cách sống và những việc làm của mình.
Suy nghĩ về tính thiếu cương quyết của Hêrôđê: nếu thấy một điều gì đó là đúng thì phải cương quyết làm, nếu thấy một điều gì đó sai thì cũng phải cương quyết bỏ, không chần chừ, không rút lại điều đã quyết định.
Suy nghĩ về những đam mê của bà Hêrôđia: đam mê là một động lực rất mạnh, nhưng cũng là một con dao hai lưỡi. Nếu đam mê một điều tốt thì người ta sẽ làm được những kì công, nếu đam mê một điều xấu thì tai hại rất lớn…
Xem câu chuyện của nàng Salômê, tôi phải xin Chúa giúp tôi biết sử dụng những khả năng Chúa ban cho đúng.
Suy gẫm gương thánh Gioan Tẩy giả: tôi có cam đảm nói và sống Lời Chúa bất chấp mọi khả năng, mất mát không?
2. Những bậc vĩ nhân thường được nhân gian biến thành bất tử. Người Do Thái tin rằng vị tiên tri vĩ đại nhất của họ là Elia đã không chết, nhưng được cất nhắc về trời: khi Gioan tẩy giả xuất hiện, người ta lại tin rằng ngài chính là hiện thân của Elia: rồi đến lượt Gioan Tẩy giả bị giết, người ta lại cho rằng ngài đang sống lại trong con người Chuá Giêsu.
Có lẽ để xoá tan những lời đồn đoán như thế, thánh sử Máccô đã kể lại từng chi tiết cuộc xử trảm Gioan Tẩy giả cũng như ghi lại việc chôn cất thánh nhân. Gioan Tẩy giả đã thực hiện sự chết và Ngài đã không bao giờ sống lại, cũng chẳng được cất nhắc lên trời như Elia.
Gioan Tẩy giả là nạn nhân của bất công. Có bất công khi người ta đặt chính trị lên trên những giá trị khác của cuộc sống, như tinh thần và niềm tin; có bất công khi người ta hành động theo bản năng hơn là theo tinh thần. Vua Hêrôđê lẫn nàng Hêrôđia đều đã hành động theo lối ấy. Hêrôđia sống bất chấp luân thường đạo lý, còn Hêrôđê thì cho dù vẫn sáng suốt để phân biệt được điều ngay với lẽ trái, nhưng lại chọn sống theo bản năng hơn là lý trí.
Gioan Tẩy giả đã lên tiếng tố cáo bất công và sẵn sàng chết cho công lý. Trong ý nghĩa ấy, ngài là vị tiền hô của Chúa Giêsu, Ngài qua đi nhưng tinh thần Ngài vẫn sống mãi trong các môn đệ Ngài, và một cách nào đó, Ngài cũng sống trong chính con người Chúa Giêsu và nơi mỗi người Kitô hữu. Từ hơn 2000 năm qua, Giáo Hội vẫn sống trong niềm xác tín đó. Chính tinh thần của Gioan Tẩy giả, của các Tông đồ, của các thánh tử đạo, đã sống mãi trong Giáo Hội và trở thành dây liên kết mọi Kitô hữu. Điều này luôn được Giáo Hội thể hiện qua cử chỉ hôn kính hài cốt các thánh được đặt trên bàn thờ. Tập san Giáo Hội Á Châu do Hội Thừa sai Paris xuất bản tháng 12/95, có ghi lại chứng từ của một vị Giám mục:
“Chúng tôi đã cất giữ hài cốt của vị Giám mục tiên khởi của Giáo Hội chúng tôi. Chúng tôi tin rằng hài cốt này là thánh thiêng đối với chúng tôi, là dấu chỉ mà chúng tôi không bao giờ được phép quên lãng. Hài cốt này là sợi dây liên kết với Giáo Hội mọi thời, mọi nơi. Chúng tôi đã luôn nghĩ rằng chúng tôi không thể cất khỏi sợi dây liên kết hữu hình ấy. Đây là một dấu chỉ nối kết chúng tôi trực tiếp với Chúa Kitô. Làm sao người ta có thể đánh mất Chúa Kitô? Chúng tôi cất giữ hài cốt này, chúng tôi vẫn tiếp tục yêu mến Chúa Kitô và kết hiệp với Ngài mãi mãi.”
Chúng ta cũng hãy hiên ngang nói lên niềm tin và lòng trung thành với Chúa Kitô, cùng với Thánh Phaolô, chúng ta cũng hãy thốt lên: “Không có gì thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô”